Tưởng nhớ vĩ nhân – Báo công dâng hương Bác tại khu di tích lịch sử K9 – Đá Chông

Nhân dịp kỷ niệm 134 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại (19/5/1890 – 19/5/2024), Chi bộ Viện Phát triển Nhân lực và các Trung tâm – Trường Quản trị và Kinh doanh đã tổ chức hoạt động sinh hoạt Chi bộ chuyên đề quý II với chủ đề: “Báo công, dâng hương Bác”. Chuyến đi được tổ chức tại Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh K9 – Đá Chông, Ba Vì, Hà Nội vào ngày 17 tháng 5 năm 2024 với sự tham gia đầy đủ của cán bộ, Đảng viên trong Chi bộ.

Khung cảnh bên trong khu Di tích lịch sử K9 – Đá Chông

Khu Di tích lịch sử K9 – Đá Chông, vùng đất thiêng liêng, có ý nghĩa lịch sử đặc biệt quan trọng, gắn liền với những năm tháng hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại. Nơi đây, năm 1957, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dừng chân ăn trưa trên đỉnh đồi, ngay dưới chân ba mỏm đá nhọn như hình mũi chông xếp liền kề nhau hiên ngang, vững chắc. Hòa mình vào phong cảnh thiên nhiên tươi đẹp, dịu mát, Người ngồi đó, dõi mắt nhìn ra dòng sông Đà cuộn sóng, “khi ồn ào, dữ dội – lúc dịu dàng, êm ả, bình yên” như nỗi lòng của những người con đất Việt… Người đã trao đổi với các đồng chí đi cùng về định hướng xây dựng khu căn cứ của Trung Ương tại đây để đề phòng Mỹ mở rộng chiến tranh phá hoại bằng không quân ra miền Bắc. Năm 1959, Bộ Quốc phòng được lệnh xây dựng khu căn cứ của Trung ương tại Đá Chông với mang mật danh “Công trường 5”. Ngày 15/3/1960, ngôi nhà hai tầng mang đậm dấu ấn, ý tưởng thiết kế của Bác đã được hoàn thành theo phong cách nhà sàn và sau đó nơi đây được đổi tên thành khu căn cứ K9, là nơi mà Bác và các Đồng chí trong Bộ Chính trị thường xuyên về làm việc trong suốt những năm tháng chiến tranh dưới sự phá hoại của không quân Mỹ. Ngày 2/9/1969, khi Người đã đi xa,… nhận thấy khu căn cứ K9, với vị trí cách xa Hà Nội, đảm bảo tính bí mật, an toàn, đồng thời nơi đây gắn với nhiều dấu ấn, kỷ niệm về Bác, Bộ Chính trị cùng Quân ủy Trung ương đã quyết định chọn khu căn cứ K9 – Đá Chông là địa điểm giữ gìn thi hài của Người… Đến thời điểm hiện tại, khu di tích lịch sử K9 được hoàn thiện, bao gồm nhiều hạng mục như: nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh, công trình giữ gìn thi hài Bác trong thời kỳ chiến tranh, ngôi nhà 2 tầng và hầm trú ẩn, vườn cây xung quanh, hòn non bộ,… tạo nên một khu di tích lịch sử linh thiêng, là nơi để nhân dân cả nước được đến thăm, tưởng nhớ và tự hào về Bác, về những dấu ấn lịch sử của một thời kháng chiến hào hùng.

Đoàn chụp ảnh lưu niệm tại Khu Di tích lịch sử K9 – Đá Chông

Chuyến đi đến Khu Di tích lịch sử K9 mang ý nghĩa giáo dục sâu sắc đối với mỗi cán bộ, đảng viên trong chi bộ. Đến với Khu Di tích lịch sử K9, chúng ta không chỉ tưởng nhớ đến những đóng góp to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh cho cách mạng Việt Nam mà còn được tái hiện lại những khoảnh khắc ý nghĩa trong cuộc đời Người, thấm nhuần tinh thần cách mạng, ý chí bất khuất và tấm lòng thiết tha với nhân dân. Đây chính là nguồn động lực vô giá, là kim chỉ nam để chúng ta tiếp tục phấn đấu, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa ngày càng phồn vinh, hạnh phúc. Chuyến đi “Báo công, dâng hương Bác” tại Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh – Đá Chông (K9), Ba Vì, Hà Nội đã thành công tốt đẹp. Đây là hoạt động có ý nghĩa thiết thực, góp phần giáo dục truyền thống cách mạng, bồi dưỡng lý tưởng cho cán bộ, đảng viên trong Chi bộ.

Bí thư Chi bộ Viện Phát triển Nhân lực và các Trung tâm, Phó Hiệu trưởng Trường Quản Trị và Kinh Doanh, TS. Phạm Việt Thắng trò chuyện với Đồng chí Thượng tá Nguyễn Văn Tiệp, Phó Đoàn trưởng, Tham mưu trưởng – Đoàn 285, Bộ tư lệnh, Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Tưởng niệm và dâng hương Bác tại Khu Di tích lịch sử K9 không chỉ là để tôn vinh công lao to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, mà còn là dịp để chúng ta quyết tâm học tập và noi gương Bác, tiếp tục thực hiện nghiêm túc lời dạy của Người “Đảng càng gần dân, dân càng yêu Đảng” và phát huy truyền thống cách mạng vẻ vang của Đảng, củng cố niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, xây dựng Đảng ngày càng trong sạch, vững mạnh.

Phương Linh, Bảo Ngọc

Trụ sở chính: Nhà B1, số 144, Xuân Thủy, Cầu Giấy, Hà Nội.
Số điện thoại: +84-24-37548456
Website: idm.hsb.edu.vn
Email: [email protected]

© 2024 - Viện Phát triển nhân lực - HSB - VNU | All rights reserved

Scroll to Top